image banner
 
Vị trí, điều kiện tự nhiên

1.Vị trí địa lý:

Trong tổng số 19 xã, thị trấn của Huyện Nam Đàn, xã Nam Nghĩa nằm ở phía tây của huyện. Nếu đi từ trị trấn Nam Đàn lên xã Nam Nghĩa, người ta chỉ có thể theo con đường quốc lộ 15A đoạn Nam Đàn – Đô Lương với khoảng cách 6 – 7 km là thuận tiện nhất. Xã Nam Nghĩa nằm lọt giữa bốn bề là đồi núi. Phía Tây, Nam Nghĩa tiếp giáp xã Nam Hưng, Phía tây – tây nam tiếp giáp xã Nam Thái, phía Nam giáp Thị Trấn. Phía Bắc và Tây Bắc Nam Nghĩa bị ngăn cách bởi dãy núi Thần Tuy (tiếng địa phương gọi là Rú Nậy) suốt từ đập Cửa Ông đến tận núi Cồn Phương. Từ Nam Nghĩa, vượt qua Truông Bồn người ta có thể đi ra huyện Nghi Lộc, Đô Lương và trên thực tế từ xưa đến nay con đường độc đạo này đã cho phép cư dân ở dọc chân núi Đại Huệ qua lại trao đổi, buôn bán thăm hỏi một cách nhanh chóng thuận lợi. Xã Nam  Nghĩa được thành lập vào ngày 25 tháng 4 năm 1967.

     2. Địa hình:

Nam Nghĩa là một trong những xã có địa hình khá phức tạp và đa dạng của huyện Nam Đàn. Từ đập Cửa Ông chạy theo chân núi Thần Tuy đến vùng núi Cồn Phương tiếp giáp với xã Nam Thanh là cả một vùng địa hình phức tạp bị chia cắt bởi nhiều đồi nứi thấp, cánh đồng nhỏ hẹp men theo thung lũng, những khe suối nhỏ, cồn gò, cao thấp. Từ chân núi Cồn Phương nhìn thẳng về phía Nam và Đông Nam qua Rú Bạc, khe Gụ, khe Sét địa hình tương đối bằng phẳng với nét đặc trưng là cồn, gò, bãi, đồng ruộng bậc thang nhỏ hẹp, với một số khe suối nhỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau, chia cắt các miền thành từng phần làm cho tình trạng địa hình ở đây thiếu thống nhất, phân tán rất khó khăn trong việc quy hoạch để phát triển theo hướng tập trung.

Từ vùng đất tiếp giáp với Vân Diên cũ (nay là thị trấn Nam Đàn) chạy dọc theo sườn núi Ngũ Liên Châu (Từ Động Nhôn qua khe Sét, Động Trèo, Rú Cụ) đến chợ bò qua trường Mầm non tư thục Hưng – Thái – Nghĩa đến khe Bụt Mọc tiếp giáp với xã Nam Hưng là cả một vùng đồi núi với nhiều cao thấp khác nhau chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Hai bên sườn núi có những cánh đồng nhỏ hẹp với diện tích vài mẫu đến vài chục mẫu được nhân dân khai thác từ lâu.

Dọc theo các sườn núi này có nhiều khe, suối nhỏ và hầu như bị khô hạn về mùa Hạ và mùa Thu. Dưới chân núi hiện nay, nhà cửa của nhân dân đã được xây dựng tạo thành những xóm làng đông đúc.

Từ chợ Bò chạy theo hướng Tây Bắc vào đến đập Cửa Ông cho đến tận khe Luồng, khe Khỉ là cả một đồi núi chạy theo nhiều hướng, cao thấp, dài ngắn khác nhau và nhiều vùng đất ở đây bị đá ong hóa nghiêm trọng. Nền địa hình ở vùng này cũng phức tạp, thiếu đồng nhất và luôn bị chia cắt bởi núi, đồi, khe suối, ruộng bậc thang, thậm chí là cả những vũng lầy. Từ Đông sang Tây, từ Bắc sang Nam, địa hình Nam Nghĩa nhìn tổng thể từ trên núi cao xuống trông giống như một hình chữ nhật kéo dài, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi bát úp, khe suối, dòng chảy và cả gò, bãi, đồng ruộng bậc thang nhỏ hẹp xen lẫn với những xóm làng từ vài chục đến vài trăm nóc nhà, tạo thành từng vệt giữa một thung lũng núi chạy suốt từ Nam Nghĩa – Nam Hưng cho đến tận Nam Thanh với tổng chiều dài khoảng 17 đến 20 km.

3. Đất đai, khí hậu, thời tiết

Là một vùng núi, Nam Nghĩa có rất ít diện tích đất đai màu mỡ để phát triển sản xuất. Phần lớn đất đai ở đây là đất bạc màu, bị đá ong hóa hoặc chua phèn. Tài nguyên đất ở Nam Nghĩa chủ yếu là đất Feralit có pha cát và đất thịt. Trong đó có nhiều diện tích đất bị đá ong hóa hoàn toàn đã gây không ít khó khăn cho sản xuất và đời sống dân sinh. Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi như các địa phương khác, nhưng nhờ bàn tay và khối óc của nhiều thế hệ cư dân sống trên vùng đất này không ngừng lao động cải tạo, nên hiện tại Nam Nghĩa đang có.

Diện tích tự nhiên của xã có 1224,10 ha. Trong đó:

I. Diện tích đất Nông – Lâm nghiệp: 961,1 ha.

- Đất 2 lúa: 162,78 ha

- Đất màu: 135,64 ha

- Đất vườn ở: 158,56 ha.

- Đất lâm nghiệp: 477,06 ha

II. Đất phi nông nghiệp: 236,68 ha.

- Đất chưa sử dụng: 26,31 ha.

* Khí hậu: Chịu ảnh hưởng chung của nền khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu, thời tiết ở Nam Nghĩa cũng có những đặc điểm riêng. Điểm dễ nhận thấy là sự biến động phức tạp theo mùa của khí hậu, thời tiết: nắng nóng kéo dài từ tháng 2 cho đến tạn tháng 7 – 8 âm lịch, với những trận gió Lào mang hơi nóng khủng khiếp. Từ tháng 4 – 6, nhiệt độ có thể lên tới 37 – 39 0 C, có khi vượt quá 40 0 C. Trong khi đó, vào mùa đông nhiệt độ có khi xuống chỉ còn 10 – 15 độ.

BẢN ĐỒ XÃ NAM NGHĨA - HUYỆN NAM ĐÀN
image
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NAM NGHĨA
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Trần Hán - Chủ tịch UBND xã

Trụ sở: Xã Nam Nghĩa - Huyện Nam Đàn - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238)3566999 - Email: namnghia@namdan.nghean.gov.vn